Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

PHÁT TRIỂN TƯ DUY CHO HỌC VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH DẠY – HỌC Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY


Lý luận chủ nghĩa Mác lê nin về con đường nhận thức chân lý của con người là “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng trở về với thực tiễn”. Đây chính là sự khái quát về bản chất, mục đích của quá trình phản ánh tâm lý – ý thức của con người. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi khách quan, hợp quy luật của quá trình tác động sư phạm nhằm phát triển tâm lý – ý thức con người theo mô hình nhân cách cụ thể.
Theo từ điển Triết học thì: Tư duy là hình thức cao nhất của sự phản ánh tích cực hiện thực khách quan – quá trình trong đó con người so sánh các tài liệu thu được từ nhận thức cảm tính hoặc các ý nghĩ khác nhau, phân tích chúng, suy xét, luận chứng để từ các tài liệu hoặc các ý nghĩ đó rút ra các ý nghĩ khác với tri thức mới.
Dưới góc độ Tâm lý học, khái niệm tư duy được hiểu là một quá trình nhận thức phản ánh gián tiếp và khái quát các thuộc tính, các mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng của thế giới khách quan.
Quá trình phản ánh tâm lý của con người diễn ra từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa đầy đủ đến hoàn thiện, từ hình thức đến bản chất… thông qua các cấp độ thấp nhận thức khác nhau từ cảm tính đến lý tính .Trong đó, cấp độ tư duy là trình độ phản ánh tâm lý cao nhất, sâu sắc và đầy đủ nhất chỉ có ở con người. Tư duy được hình thành và phát triển trên cơ sở chất liệu thu thập được của các quá trình phản ánh cảm tính (cảm giác; tri giác), sử dụng các quá trình tâm lý trung gian như trí nhớ, chú ý. Thông qua và nhờ quá trình tư duy mà phản ánh tâm lý của con người mang tính chủ thể và sáng tạo rất cao, cho phép con người nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về các thuộc tính bản chất, các mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Đồng thời, cũng nhờ quá trình tư duy mà con người tác động và cải tạo được hiện thực khách quan (trực tiếp là đối tượng nhận thức) phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người. Sự phản ánh của tư duy khác về chất so với các quá trình phản ánh cảm tính ở chỗ nó phản ánh một cách gián tiếp, khái quát các thuộc tính, các mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng của thế giới khác quan. Kết quả của quá trình tư duy không chỉ dừng lại ở việc nhận thức sâu sắc và đầy đủ về thế giới, đối tượng mà nó còn vạch ra con đường, cách thức, biện pháp cải tạo thế giới khách quan cũng như đối tượng nhận thức cụ thể. Cũng nhờ có tư duy mà phản ánh tâm lý của con người khác về chất so với phản ánh tâm lý của động vật. Như vậy, có thể nói, tư duy là “tài nguyên” riêng có của con người, “là năng lực đặc trưng cơ bản nhất của con người”.
Trong cuộc sống, hoạt động của con người nói chung, trong hoạt động dạy và học nói riêng, tư duy có vai trò hết sức quan trọng đối với việc bảo đảm nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Dạy - học là một hoạt động đặc thù của con người nhằm truyền thụ - lĩnh hội hệ thống tri thức, kinh nghiệm xã hội lịch sử, phát triển toàn diện nhân cách theo mục tiêu, yêu cầu (mô hình nhân cách cụ thể). Trong đó, chú trọng hình thành hệ thống các phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và phát triển năng lực tư duy cho người học, làm cơ sở cho tự học, tự hoàn thiện nhân cách và đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nghiệp – hoạt động xã hội nhất định.
Quá trình sư phạm quân sự ở Trường Đại học Chính trị (Trường Sĩ quan Chính trị) với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, đặc biệt là đội ngũ chính trị viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Mục tiêu, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội và đội ngũ chính trị viên đặt ra phải phát triển toàn diện nhân cách cho họ; trong đó chú trọng phẩm chất chính trị - đạo đức và hình thành, phát triển hệ thống kỹ năng nghề nghiệp như: kỹ năng tổ chức; kỹ năng lãnh đạo – chỉ huy; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng hiểu chiến sĩ; kỹ năng tổ chức hoạt động nhận thức cho chiến sĩ; kỹ năng đánh giá kết quả; kỹ năng giáo dục thuyết phục… Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên một mặt cần nắm chắc và hiểu đúng về bản chất, đặc điểm, các giai đoạn, các thao tác tư duy; nhận thức được vị trí, vai trò của tư duy làm cơ sở phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và nhất là năng lực tư duy chính trị, tư duy lý luận và tư duy quân sự cho học viên. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải tu dưỡng và rèn luyện phát triển năng lực tư duy khoa học, tư duy lý luận và tư duy chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo của nhà trường cả trước mắt và lâu dài.
Đối với người giảng viên, quá trình dạy – học muốn đạt hiệu quả cao phải biết vận dụng sáng tạo và có hiệu quả vấn đề tư duy vào tất cả các khâu, các bước và toàn bộ quá trình sư phạm. Trên cơ sở đó, biết phát huy tính tích cực tư duy của học viên trong quá trình dạy - học để góp phần nâng chất lương, hiệu quả. Có như vậy sẽ giúp học viên mạnh dạn đưa ra những suy nghĩ của bản thân, từ đó làm cho họ nhận thức được sâu sắc hơn các vấn đề được trang bị, kích thích họ tìm tòi nghiên cứu những cái mới, cái chưa biết… trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mình. Đồng thời, thông qua đó cũng giúp cho người giảng viên kịp thời điều chỉnh nội dung, hình thức, phương pháp dạy học cho phù hợp với nhận thức của người học. Chính vì vậy, việc vận dụng quá trình tư duy trong dạy học môn công tác xây dựng Đảng cần hết sức được chú trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường nói chung và phát triển tư duy cho học viên nói riêng. Tuy nhiên, để vận dụng tốt quá trình này trong dạy- học môn công tác xây dựng đảng tại Trường Đại học Chính trị hiện nay, người giảng viên cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, trong quá trình xây dựng nội dung dạy học, người giảng viên cần thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Một là, xây dựng bố cục và nội dung bài giảng phải phù hợp với logic nhận thức nói chung (tức là phải đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó…); phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý và khả năng nhận thức của người học.
Hai là, quá trình phân tích, luận giải nội dung bài giảng phải phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, cơ sở khoa học, nội dung cụ thể của vấn đề cũng như sự biểu hiện, vận động, phát triển của vấn đề đó trong thực tiễn.
Ba là, nội dung bài giảng phải thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời phản ánh những cái mới, cái sáng tạo vào các tình huống cụ thể; đồng thời, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
Bốn là, trang bị hệ thống tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn đảm bảo cho người học có được vốn kiến thức sâu, rộng về công tác xây dựng đảng cũng như các khoa học cận chuyên ngành, liên ngành, quân sự.
Năm là, bảo đảm tính toàn diện nhưng có chiều sâu, chú ý nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của nội dung bài giảng.
Sáu là, phải nắm chắc các giai đoạn của tư duy (giai đoạn hình thành vấn đề; thiết lập giả thuyết; kiểm tra giả thuyết); đặc điểm của tư duy (tư duy chỉ nảy sinh trong “tình huống có vấn đề”; tính gián tiếp và khái quát của tư duy; tư duy liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và nhận thức cảm tính); nắm chắc các thao tác, hình thức của tư duy.
Thứ hai, Người giảng viên phải xác định được mục tiêu, phương hướng, tiêu chí của từng chủ đề bài giảng để lựa chọn và quyết định về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học, cũng như xác định hình thức kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau bài giảng.
Căn cứ vào chương trình giáo dục, giáo trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng xác định loại kiến thức và đích cần đạt của mỗi mục, từ đó lượng hoá các mục tiêu cụ thể của từng mục. Trong đó, cần phải đặc biệt chú ý nhấn mạnh nội dung cơ bản, mối liên hệ các nội dung, xu hướng phát triển và hướng vận dụng chúng trong thực tiễn nghề nghiệp nhằm phát triển tư duy độc lập, sáng tạo cho người học.
Thứ ba, cần xác lập mối quan hệ giữa các nội dung thông tin trong bài học theo yêu cầu có tính hệ thống khái quát hoá, để xác định kiến thức trọng tâm và các kiến thức cơ bản cũng như sự liên hệ giữa chúng. Các kiến thức trong từng đề mục đều có liên quan với nhau nên trong quá trình giảng dạy cần được sắp xếp theo một trật tự logic nhất định. Đồng thời, cần lựa chọn các hình thức diễn đạt nội dung cho phù hợp, xác định các hoạt động của học viên và từ các hoạt động của học viên mà xác định các hoạt động dạy của giảng viên. Việc lựa chọn các hoạt động dạy học phải đảm bảo các yêu cầu: tổ chức được các hoạt động nhận thức cho học viên, đáp ứng được mục tiêu, rèn luyện kỹ năng tư duy…. Giảng viên cần chuẩn bị một số câu hỏi mang tính khái quát các kiến thức theo định hướng ý đồ xây dựng tiến trình giảng dạy.
Thứ tư, trong quá trình thực hành giảng dạy, người giảng viên cần tuân thủ đúng quy luật của quá trình nhận thức của người học (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn); tuân thủ đúng quy luật của tư duy và quy luật phát triển tư duy, vận dụng linh hoạt các hình thức, thao tác tư duy trong dạy học. Tích cực đưa học viên vào các “Tình huống có vấn đề” nhằm phát triển tư duy độc lập, sáng tạo cho học viên; tăng cường thực hành, thực tập vớ nhiều nhình thức đa dạng, phong phú để phát triển hệ thống kỹ năng nghê nghiệp cho học viên. Bên cạnh đó, cần sử dụng kết hợp các phương pháp dạy học tích cực, tiến tiến, thường xuyên đưa học viên vào những “tình huống có vấn đề” trong dạy học để kích thích tính tích cực tư duy, tạo nên sự đam mê, tính tò mò của người học trong quá trình nghiên cứu nội dung bài giảng. Kiên quyết chống truyền thụ một chiều, nhồi nhét kiến thức, thày đọc, trò ghi…


0 nhận xét :

Đăng nhận xét