Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Thời gian gần đây, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta theo phương thức “bất bạo động”. Chúng sử dụng phương thức “bất bạo động” như một thủ đoạn để tập hợp lực lượng hình thành các hội, nhóm dưới danh nghĩa “xã hội dân sự”, “nghề nghiệp”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”; tác động chuyển hóa đường lối, chính sách, chuyển hóa nội bộ; lôi kéo, lừa bịp một bộ phận quần chúng hình thành các phong trào xã hội, tập dượt cho phương thức phản kháng chính quyền… nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vậy thực chất phương thức đấu tranh “bất bạo động” của Việt Tân là gì?
Một là, “bất bạo động” là phương thức hoạt động không sử dụng vũ khí, súng, đạn mà sử dụng áp lực của quần chúng từng bước làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cầm và Nhà nước ta. “bất bạo động” là phương thức hoạt động chống đối không sử dụng vũ khí, súng, đạn mà chủ yếu tập trung vào việc sử dụng sức mạnh của quần chúng trên cơ sở hô hào, kích động quần chúng tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền; kích động công nhân đình công, bãi công; lôi kéo, lừa bịp, kích động các giai tầng xã hội xuống đường tuần hành, biểu tình, gây áp lực với Đảng, Nhà nước, đòi thực hiện các yêu sách như: đòi Đảng cầm quyền từ bỏ vai trò lãnh đạo; đòi cải cách chính trị; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang… từ đó làm suy yếu, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
Hai là, tẩy chay, bất hợp tác với chính quyền, đưa chính quyền vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là những nội dung cơ bản của phương thức “bất bạo động”. Thực tiễn các cuộc đấu tranh “bất bạo động” diễn ra tại một số nước trên thế giới thời gian qua cho thấy, những nội dung chính được các lực lượng đối lập, chống đối sử dụng trong đấu tranh “bất bạo động” là: 1) Bất tuân dân sự: Tức là người tham gia phương thức này có thể từ chối thực hiện những việc mà họ vẫn thường làm, hoặc bắt buộc phải làm theo yêu cầu của luật pháp (tẩy chay bầu cử, biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa…); 2) Hành động một cách có chủ đích: Tức là người tham gia có thể thực hiện những việc mà họ thường không làm hoặc không được trông đợi sẽ làm, hoặc bị cấm thực hiện (tập hợp lực lượng, rải truyền đơn, kích động quần chúng xuống đường, chiếm trụ sở, bắt giữ cán bộ; tạo sự kiện, lấy cớ cho các tổ chức quốc tế, các nước phương Tây can thiệp...); 3) Thuyết phục và thương lượng: Đưa ra các điều kiện phù hợp với tình hình, từ thấp đến cao, đẩy chính quyền vào thế buộc phải dùng vũ lực, gây đổ máu, tạo cớ bên ngoài can thiệp buộc chính quyền phải nhượng bộ.
Ba là, đình công, biểu tình, tuần hành chống đối chính quyền là hình thức chủ yếu, đặc trưng chính của phương thức này. Mục tiêu chính trong thực hiện phương thức “bất bạo động” là bằng những “chiến thuật” hòa bình trong đấu tranh chính trị để lật đổ chính quyền. Do đó, đình công, biểu tình, tuần hành là hình thức được chúng xác định mang lại hiệu quả cao nhất, ít thiệt hại nhất. Đồng thời, sử dụng các hình thức này, trong trường hợp chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi, là “cái cớ” để các thế lực bên ngoài lợi dụng can thiệp, gây sức ép, thậm chí sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công.
Như vậy, từ những đặc trưng trên chúng ta thấy “bất bạo động” là một phương thức hoạt động với những thủ đoạn hết sức “mềm dẻo” không bộc lộ trực tiếp và lộ liễu tính thách thức về chính trị và sự đối kháng với chính quyền. Với bản chất này, “bất bạo động” là phương thức đặc biệt nguy hiểm của Việt Tân với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác với phương thức này của Việt Tân trong giai đoạn hiện nay.


0 nhận xét :

Đăng nhận xét