GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU
KHOA HỌC CỦA GIẢNG VIÊN TRẺ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
Đối với giáo dục đại học nói chung, Trường
Đại học Chính trị nói riêng, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một nhiệm vụ trọng
tâm, yêu cầu khách quan và là một trong những động lực quan trọng, chủ yếu
quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo. Thông qua NCKH, giúp giảng
viên mở rộng, tìm hiểu sâu kiến thức chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới,
tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào bài giảng; tự khẳng định bản thân
và thấy được những hạn chế, thiếu sót trong tri thức của mình để kịp thời bổ
sung. Theo đó, năng lực tư duy lý
luận, tư duy khoa học của giảng viên được phát triển; chất lượng, hiệu quả dạy
học được nâng cao, tạo ra hiệu suất, giá trị khoa học của mỗi bài giảng và mỗi công
trình nghiên cứu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then
chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững…”[1]. Quán triệt quan điểm của Đảng và nhận thức sâu sắc
vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ
VIII Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị xác định: “…Tăng cường sự lãnh đạo, quản
lý, chỉ huy các cấp, đảm bảo cho nhiệm vụ khoa học đi đúng hướng và từng bước
phát triển, trở thành nhu cầu không thể thiếu của mỗi cán bộ, giảng viên, học
viên”[2].
Đây là định hướng lớn, đường hướng đúng bảo đảm cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo
và tổ chức thực hiện nhiệm vụ NCKH của Nhà trường cũng như bồi dưỡng nâng cao
năng lực NCKH của giảng viên trẻ (GVT) trong suốt những năm qua. Theo
đó, những năm qua Nhà trường đã có sự quan tâm đến hoạt động NCKH và việc bồi
dưỡng năng lực NCKH cho GVT. Tuy nhiên, trình độ, năng lực nghiên cứu của GVT nhìn chung còn nhiều hạn chế, số lượng tham
gia nghiên cứu các đề tài và các bài báo khoa học còn ít, chất lượng chưa cao,
chủ yếu vẫn dừng lại ở đề tài cá nhân nhưng giá trị khoa học không cao,
vẫn mang tính hình thức, đối phó. GVT chưa có
bản lĩnh, thiếu chủ động và mạnh dạn trong đề xuất các vấn đề nghiên cứu; việc
triển khai nghiên cứu đề tài cũng như viết báo khoa học còn gặp nhiều khó khăn,
lúng túng. Điều này trước hết do nhận thức của nhiều GVT về nhiệm vụ NCKH chưa
thật đúng đắn nên thiếu tích cực, tự giác, ngại tìm tòi, khám phá. Phần
đông GVT là cử nhân, rất ít người có trình độ
thạc sĩ (trừ khoa khoa học cơ bản) và chưa có tiến sĩ, lại mới vào nghề
nên kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn quân sự, sư phạm chưa nhiều;
đặc biệt là thiếu và yếu về tri thức,
kinh nghiệm và các kỹ năng NCKH như: phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, triển
khai ý tưởng và trình bày sản phẩm nghiên cứu. Về phía các khoa, việc nghiệm
thu, đánh giá các báo cáo khoa học còn xuê xoa, nương nhẹ; chưa cụ thể hóa việc
gắn NCKH với đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm đã tạo nên tâm lý xem
nhẹ, thái độ không nghiêm túc trong NCKH ở một số GVT. Bên cạnh đó, môi trường khoa học, cơ sở vật chất dành cho nghiên
cứu lại chưa thuận lợi; cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ về KHCN cũng còn nhiều
bất cập, nên chưa khuyến khích GVT nghiên cứu khoa học. GVT ít có điều kiện tham
gia đề tài, việc giao lưu giữa giảng viên các khoa trong Trường cũng như với
các trường khác trong và ngoài quân đội rất ít, dường như không có, nên thông
tin về các đề tài, các vấn đề nghiên cứu không được cập nhật, tính kế thừa và
hợp tác trong nghiên cứu cũng như việc khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu
của các đề tài khác còn ít, không học hỏi và đúc rút được kinh nghiệm. Sự tác
động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, những khó khăn nảy sinh
trong cuộc sống làm ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm, lòng yêu nghề,
ý thức trách nhiệm trong giảng dạy, ý thức tự học, tự nghiên cứu, và sự vươn
lên trong khoa học của mỗi GVT. Do vậy, để nâng cao chất lượng NCKH của GVT ở
Trường Đại học Chính trị hiện nay cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản
dưới đây:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các lực lượng đối với nhiệm vụ NCKH; coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động
NCKH và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng NCKH của GVT vì đây là đội ngũ kế cận quan
trọng, động lực chủ yếu của sự phát triển GD – ĐT của Nhà trường. Trước hết,
cần tạo hành lang pháp lý bằng các quy định cụ thể hóa trong các văn bản, quy
chế, điều lệ nhà trường; xây dựng quy định chế độ làm việc của giảng viên, tiêu
chuẩn đánh giá chất lượng giảng viên; bổ sung các quy định NCKH của GVT cho phù
hợp với thực tiễn Nhà trường và khả năng thực tế của GVT; xây dựng chế độ, quy
chế hoạt động NCKH có tính đến khả năng cũng như chất lượng, hiệu quả thực tế
nghiên cứu, bảo đảm để GVT có thể độc lập nghiên cứu hoặc tham gia, hợp tác
nghiên cứu những đề tài cấp cao; bảo đảm nguồn kinh phí cho GVT nghiên cứu;
khắc phục tình trạng quá tải trong giảng dạy gây ra áp lực khiến giảng viên
không có thời gian và khó tập trung nghiên cứu. Nhà trường một mặt cần khơi dậy
ý thức tự giác, trách nhiệm chính trị của các khoa và GVT; đồng thời, cần có
những qui định có tính cưỡng chế, bắt buộc các khoa và GVT đối với nhiệm vụ NCKH.
Từng bước hoàn thiện cơ chế đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ giảng viên,
đảng viên gắn với ý thức trách nhiệm; năng lực nghiên cứu khoa học; số lượng, chất
lượng công trình nghiên cứu; hiệu quả đóng góp cho khoa học và chất lượng GD –
ĐT của Nhà trường. Đáp ứng những lợi ích vật
chất và tinh thần chính đáng của đội ngũ giảng viên, cải tiến chế độ thù lao và
chế độ nhuận bút nhằm kích thích GVT tích cực NCKH. Nhà trường và các khoa cần
có cơ chế, các chính sách cụ thể để động viên, khuyến khích, hỗ trợ đi học nâng
cao trình độ, tự học và NCKH; mạnh dạn giao nhiệm vụ, giao đề tài và tạo điều
kiện thuận lợi để GVT được tham dự vào các công trình nghiên cứu ở cấp cao hơn.
Tổ chức đánh giá chặt chẽ, đúng chất lượng để khen thưởng xứng đáng, kịp thời
những GVT có tinh thần trách nhiệm, số và chất lượng các công trình nghiên cứu
trong học kỳ, năm học. Tập huấn, bồi dưỡng các phương pháp, phương tiện giảng
dạy và nghiên cứu hiện đại để GVT có cơ hội tiếp cận, học hỏi và vận dụng vào
nghiên cứu. Từng bước cải cách chế độ phân bổ kinh phí cho NCKH ở cấp khoa và
nghiên cứu cá nhân, nhằm nâng cao chất lượng các đề tài, công trình nghiên cứu
và năng lực nghiên cứu của GVT; có cơ chế mở rộng hợp tác NCKH với các nhà
trường, cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, tạo điều kiện cho GVT được giao
lưu, học hỏi và trực tiếp tham gia nghiên cứu các đề tài thuộc nhiều lĩnh vực
khác nhau. Xây dựng kế hoạch tổng thể, cử GVT đi đào tạo ở trình độ thạc sĩ,
tiến sĩ; đồng thời, lựa chọn những GVT thực sự có khả năng phát triển, khả năng
nghiên cứu tốt để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hoặc tập huấn, bồi dưỡng tại
chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ NCKH trước mắt và lâu dài của Nhà trường
và các khoa chuyên ngành. Tiến tới hình thành nên quỹ khen thưởng NCKH, quỹ tài
năng trẻ hỗ trợ, phục vụ cho nghiên cứu của GVT. Định kỳ hoặc sau mỗi đợt nên tổ
chức tọa đàm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nghiên cứu của GVT có chất
lượng. Phát hiện, khuyến khích GVT có tài năng NCKH thực sự tham gia nghiên cứu
các đề tài trong và ngoài trường, giúp đỡ kinh phí, tạo cơ hội cho GVT đi học
tập, nghiên cứu ở những trường đại học lớn, những cơ sở nghiên cứu uy tín ở
trong và ngoài quân đội (nếu có).
Hai là,
Đê cao trách nhiệm, vai trò của các khoa đối với nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao năng
lực và chất lượng NCKH của GVT; với việc tổ chức các hội nghị khoa học, các đề
tài nghiên cứu theo hướng bảo đảm tính nghiêm túc, có chất lượng cao, giữ vững
định hướng chính trị, có tính khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao. Nghiên cứu
khoa học là hoạt động đặc thù, đó là quá trình tìm tòi, khám phá, phát hiện cái
mới với quy luật riêng, do vậy nếu không nắm bắt được bản chất, quy trình, thao
tác và không có các kỹ năng tương ứng thì khó hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Do
vậy, các khoa chuyên ngành cần coi trọng bồi dưỡng kiến thức, cơ sở lý luận, phương
pháp NCKH; rèn luyện năng lực tư duy khoa học và các kỹ năng cơ bản cho giảng
viên trẻ. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, các chuyên gia đầu ngành tiến hành tập
huấn về quy trình, quy cách, cách thức, phương pháp, kỹ năng tiến hành nghiên
cứu, cách triển khai và trình bày sản phẩm nghiên cứu đối với từng loại hình cụ
thể như: đề tài khoa học; giáo trình, giáo khoa, tài liệu dạy học khác; bài báo
khoa học; thông tin khoa học; sinh hoạt khoa học... Thực hiện tốt việc phân
công người hướng dẫn, bồi dưỡng đối với GVT về NCKH và coi đây là quy định bắt
buộc đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính, giảng viên cao
cấp trong khoa, Nhà trường. Các Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm Bộ môn và những giảng
viên có học hàm, học vị phải thực sự là những tấm gương mẫu mực về nghiên cứu
khoa học, có uy tín khoa học cao được đồng nghiệp tin yêu; có bản lĩnh khoa học
vững vàng, có khả năng xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ
GVT trong suốt quá trình nghiên cứu. Đẩy mạnh phong trào thi đua NCKH gắn với
phong trào dạy tốt và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện một cách thiết thực,
hiệu quả nhằm tạo một không gian khoa học; trân trọng và tôn vinh các GVT có sản
phẩm khoa học mang tính sáng tạo, ứng dụng cao. Qua đó khơi dậy và phát huy cao
nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của GVT. Hoạt
động NCKH cần được gắn sát với lợi ích cá nhân, biểu dương, khen thưởng kịp
thời những cá nhân có thành tích trong nghiên cứu; phát hiện và khuyến khích
GVT có năng lực NCKH tham gia các đề tài các cấp.
Ba là,
đa dạng hoá và phát huy tính hiệu quả của các hình thức nghiên cứu như: nghiên
cứu cá nhân; nghiên cứu đề tài các cấp; tọa đàm, sinh hoạt học thuật, sinh hoạt
chuyên môn; thông tin khoa học; hội thảo khoa học các cấp (khoa; liên khoa; Nhà
trường …); hợp tác nghiên cứu; giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; viết báo khoa học
… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để GVT có cơ hội tham gia nghiên cứu
và trực tiếp rèn luyện năng lực viết, trình bày, phân tích, tổng hợp; rèn luyện
bản lĩnh khoa học, sự tự tin và có điều kiện bày tỏ quan điểm, chính kiến,
tranh luận, trao đổi, cọ sát, học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đàn anh và đồng
nghiệp; kích thích khả năng tư duy độc lập, sáng tạo trong lựa chọn và giải
quyết những vấn đề khoa học đặt ra. Đặc biệt, tích cực tổ chức sinh hoạt học
thuật ở bộ môn và khoa nhằm phát hiện các vấn đề cần nghiên cứu. Tổ chức có
hiệu quả các đợt hội thảo khoa học cấp Nhà trường, hội thảo liên khoa và hội
thảo của các khoa chuyên ngành với học viên đào tạo giáo viên. Từng bước hình
thành các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học theo khối ngành, chuyên ngành, liên
ngành khoa học và hoạt động theo hướng mở để nhằm huy động và khuyến khích mọi
giảng viên trẻ tích cực, say mê nghiên cứu khoa học. Tạo mọi điều kiện, nâng
cao trách nhiệm hướng dẫn cho các thành viên câu lạc bộ tham gia thực hiện
những đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hình thức sinh hoạt khoa học theo
chuyên đề; tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, thông tin, hội thảo những vấn
đề nghiên cứu mới do các nhà khoa học có uy tín là thành viên câu lạc bộ chủ
trì tổ chức, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các thành viên. Tổ
chức viết sáng kiến kinh nghiệm, thu hoạch chuyên đề,…Mở rộng giao lưu khoa học
giữa các giảng viên trong trường và giữa Nhà trường với các nhà trường, cơ sở
đào tạo khác bằng nhiều hình thức khác nhau: hội thảo khoa học, phối hợp tham
gia các đề tài nghiên cứu,... để các giảng viên có điều kiện trao đổi ý tưởng
khoa học, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, cùng nhau đề ra các kiến nghị khoa
học. Nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý khoa học của trưởng các khoa, bộ
môn. Bồi dưỡng bổ sung kiến thức về khoa học và các mặt hoạt động này, phát huy
được tiềm năng trí tuệ của đội ngũ giảng viên có trình độ cao, sử dụng giảng
viên trẻ có triển vọng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu. Tính
cực hóa và khuyến khích các hoạt động tự NCKH; khơi dậy và phát huy cao nhất
tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của mỗi GVT. Đổi
mới công tác đánh giá giảng viên hàng năm trên cơ sở năng lực, chất lượng và nghiên
cứu khoa học của họ thông qua những sản phẩm trí tuệ của họ sáng tạo ra bao
gồm: các công trình nghiên cứu, tài liệu, giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài
báo, tham luận khoa học....
0 nhận xét :
Đăng nhận xét