Nếu hỏi bất kỳ ai rằng: quản lý cái gì khó nhất, chắc hẳn số đông sẽ nói quản lý con người là khó nhất! Tôi hoàn toàn đồng tình như vậy và nhấn mạnh thêm rằng, khó nhưng rất hay và mang giá trị nhân văn cao cả. Vậy thực chất quản lý con người là quản lý cái gì? đó là quản lý cái phần "Hồn" của con người - tức là tâm lý, tư tưởng của họ. Quả là rất khó và vô cùng khó bởi tâm lý, tư tưởng con người xét trên cả phương diện bản chất cũng như hình thức biểu hiện rất phức tạp, đa dạng, biến hóa khôn lường theo lứa tuổi, trạng thái sinh lý và nhất là các tác động của môi trường xã hội. Chúng ta thường nghe rất nhiều các câu nói như: "Con gái nói ghét là yêu"; "Miệng thì thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao"; "Nói vậy mà không phải vậy", hay các biểu hiện "Nói một đằng, làm một nẻo"... Cô gái rất muốn chàng trai đừng bỏ đi mà hãy đợi mình nhưng lại nói "Em bảo anh đi đi, sao anh không dừng lại; em bảo anh đừng đợi, sao anh vội đi ngay...". Điểm sơ qua vậy đã thấy tâm lý, tư tưởng con người phức tạp thế nào rồi. Tôi cũng có một số năm làm cán bộ quản lý học viên nên tôi cũng nhận thấy tính chất đa dạng, phức tạp của tâm lý cá nhân học viên và tâm lý tập thể học viên. Có câu "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò". Học viên cũng là con người, nhất là thanh niên đang trong độ tuổi trưởng thành về nhân cách nên sự đa dạng, phong phú và phức tạp về tâm lý là đương nhiên và là điều dễ hiểu. Nhiều học viên rất ngoan, chăm chỉ học - rèn, bên cạnh đó cũng có những học viên chấp hành kỷ luật không tốt, lười học tập và rèn luyện. Cũng có học viên năm nhất tốt, nhưng năm sau vi phạm; cũng có học viên tốt nhiều mặt, nhưng chưa tốt một vài mặt... Vậy làm sao chúng ta có thể nhận diện được các khía cạnh tâm lý ấy? Các cụ đã dạy rằng "Cái kim trong bọc lâu rồi cũng lòi ra", hay "Chẳng ai nắm tay qua ngày đến tối" để chỉ ra sự phản ánh đúng, thống nhất giữa nội dung tâm lý và hình thức biểu hiện hay quá trình hình thành, biến đổi, phát triển các yếu tố tâm lý con người. Muốn quản lý con người cần phải hiểu con người - hiểu hoàn cảnh, tâm - sinh lý của họ, nhất là tâm lý, tư tưởng. Để hiểu con người cần có phương pháp. Theo lý thuyết tâm lý học hoạt động thì tâm lý, ý thức con người được hình thành trong hoạt động và biểu hiện trong hoạt động; tâm lý ý thức và hoạt động là thống nhất với nhau. Nghĩa là, mọi hiện tượng tâm lý, tư tưởng của con người dù sớm hay muộn nhất định sẽ được bộc lộ ra bên ngoài. Sự bộc lộ ấy nhanh, chậm, rõ ràng hay không lại phụ thuộc cả vào chủ ý của mỗi chủ thể cũng như sự tác động của người khác và xã hội. Phương pháp rất đa dạng nhưng tựu trung ở việc quan sát, trao đổi, nghiên cứu tiểu sử, phân tích kết quả hoạt động ...Năm 1998, khi tôi quản lý khóa CT1 (d5, HVCT), học viên Phạm Dung Dũng, quê Vũ Thư - Thái Bình có nói với tôi rằng: "Làm thế nào mà anh nhận xét về em và mọi người khác trong đại đội chính xác như vậy?" Tôi có nói rằng, thực ra anh quan sát thấy và nghe được các em làm và nói trong sinh hoạt, học tập, công tác; nghe được mọi người nói chuyện, bàn luận về em; xem cách ứng xử và giải quyết các quan hệ công việc, tình bạn, cấp trên, người thân; căn cứ kết quả học tập, rèn luyện, công tác và các nhiệm vụ cụ thể chỉ huy giao cho...Thực tế, bản thân tôi có kinh nghiệm là luôn nắm chắc được hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội của học viên; lăn lộn, bám nắm mọi mặt hoạt động của đơn vị, theo dõi sát sao hành vi, hành động, lời nói, việc làm của học viên....nên dường như hiểu được cơ bản tâm lý, tư tưởng, tình cảm, nhu cầu, mong muốn của họ và đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ các học viên. Học viên tin tưởng nên có vấn đề gì của bản thân cũng như của học viên khác thì đều tâm sự, chia sẻ giúp tôi kịp thời xử lý các tình huống có tình, có lý và mang lại kết quả, giúp học viên tiến bộ, trưởng thành. Điều quan trọng nhất trong quản lý con người là biết phát huy sức mạnh của các lực lượng và bản thân mỗi con người cùng tham gia quản lý chính họ.
Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Quản lý con người là khó khăn nhất. Để quản lý tốt một người nào đó ta phải nắm đầy đủ, cơ bản, toàn diện về "phần hồn" của người đó
Trả lờiXóa